Quýt đường Long Trị, những bước thăng trầm

Thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang là địa phương gắn liền với thương hiệu đặc sản quýt đường Long Trị bởi giá trị và hương vị đậm đà khó nơi nào sánh bằng.

Nằm ven sông Cái Lớn với lượng phù sa bồi đắp quanh năm, đất trồng màu mỡ, nên giống quýt đường tại đây cũng cho chất lượng trái ngọt đậm, vỏ mỏng, vô cùng mọng nước và thơm hơn so với rất nhiều nơi khác.

Quýt đường có mặt tại vùng đất này hơn nửa thế kỷ qua nhưng vào khoảng từ năm 1998 -2000, bệnh vàng lá gân xanh bắt đầu tấn công và phát triển mạnh, làm cho các nhà vườn chỉ còn cách đốn gốc bỏ. Nhưng hiện nay, cây quýt đường đã dần được khôi phục lại và đã dần khẳng định lại thương hiệu của mình. Cây quýt được trồng theo phương pháp ghép cành thì chỉ trong 3 năm là cho trái, nhưng tuổi thọ ngắn còn vườn trồng theo phương pháp ươm hạt, tuy 5-7 năm mới cho trái nhưng bù lại khi đã cho trái thì cây quýt có tuổi thọ từ 30-50 năm nên phần lớn quýt đường ở đây được trồng theo phương pháp ươm hạt.

Quýt đường có tên khoa học là Citrus reticulata Blanco, thuộc họ thực vật Cam (Rutaceae), có nguồn gốc từ Ấn Độ và Trung Quốc và được trồng chủ yếu ở các nước nhiệt đới. Ở Việt Nam, Quýt đường được trồng rộng khắp, tuy nhiên tập trung chủ yếu ở miền Nam bộ.

Quýt đường thuộc loại cây thân gỗ, dạng bán bụi có dáng chắc và đều, cao khoảng 3m. Cành cứng, phân tán mạnh, tiết diện gần tròn, dai, nhẵn, thỉnh thoảng có gai nhọn dài khoảng 8mm. Cành phát triển theo lối hợp trục, khi mọc dài đến một khoảng nhất định thì dừng lại. Quả hình cầu hơi dẹt kích thước khoảng 6x8cm, đỉnh và đáy quả hơi lõm xuống có từ 6-10 múi, vỏ quả mỏng, nhẵn hay hơi sần sùi. Khi còn non vỏ quả màu xanh bóng, chín chuyển dần sang màu vàng da cam, vàng sẫm hay đỏ, vỏ quả có nhiều đốm tròn nhỏ không dính với múi nên dễ bóc. Cơm quả dịu ngọt, chua và thơm, hạt xanh. Hoa ra vào tháng 3-4, quả ra vào tháng 10-12 và thu hoạch vào tháng 2-3 năm sau.

Quýt đường dễ trồng, dễ chăm sóc, thích nghi rộng với nhiều loại thổ nhưỡng và khí hậu khác nhau, hiện nay Quýt đường được trồng phổ biến ở Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp và đặc biệt Hậu Giang.

Năm 2014, quýt đường Long Trị đạt giá bán cao trên thị trường, phần vì nhà vườn tuân thủ hơn các biện pháp canh tác, phần vì, quýt đường Long Trị đạt nhiều giải thưởng tại các hội thi trái ngon được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong khu vực. Đặc biệt, ngày 13/01/2014, nhãn hiệu tập thể “Quýt đường Long Trị” (NHTT) đã được Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho 02 nhóm sản phẩm dịch vụ “31 và 35”. Nhãn hiệu tập thể “Quýt đường Long Trị”, được coi như một điều kiện, một giấy thông hành để các sản phẩm Quýt đường Long Trị vươn lên đáp ứng được yêu cầu hội nhập vào thị trường của vùng ĐBSCL, cả nước và có thể xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần quảng bá tên tuổi của địa phương đến đông đảo khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước.

Quýt đường Long Trị đã và đang là cây trồng có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân tỉnh Hậu Giang. Vì vậy, địa phương và người dân nơi đây đang ra sức giữ gìn, phát triển loại cây này theo hướng chất lượng, bền vững để trờ thành một trong những loại cây ăn trái chủ lực cho tỉnh nhà. Có thể thấy, hiện nay, Quýt đường Long Trị không những góp phần cải thiện đời sống kinh tế cho người dân địa phương, mà còn mở ra them sự lựa chọn để chuyển đổi những diện tích còn bỏ trống hoặc những diện tích vườn tạp, kém hiệu quả.

Ngoài việc mang lại giá trị kinh tế cao, cải thiện đời sống, Quýt đường Long Trị còn được đánh giá là loại cây dễ thích nghi với điều kiện tự nhiên nơi đây, việc chăm sóc Quýt cũng được người dân nơi đây chú trọng nên đem lại năng suất cao. Góp phần đáng kể vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân của thị xã Long Mỹ nói riêng và toàn tỉnh nói chung.